Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 - 1.423 triệu tấn, hành khách từ 10,1 - 10,3 triệu lượt khách.
Hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 05 nhóm, trong đó cảng biển Quảng Bình nằm trong nhóm 02 cùng với cảng biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đến năm 2030, hàng hóa thông qua nhóm cảng biển số 2 từ 172 - 255 triệu tấn, hành khách từ 202.000 - 204.000 lượt khách; đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,6 - 4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,4 - 0,5%/năm; hoàn thiện đầu tư, phát triển cụm cảng Nghi Sơn - Đông Hồi, Vũng Áng và Sơn Dương - Hòn La.
Theo quy mô, chức năng, hệ thống cảng biển Việt Nam gồm: Cảng biển đặc biệt (02 cảng), cảng biển loại I (15 cảng), cảng biển loại II (06 cảng) và cảng biển loại III (13 cảng). Cảng biển Quảng Bình nằm trong nhóm loại II cùng với cảng biển các tỉnh Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hậu Giang và Đồng Tháp. Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT nêu rõ vai trò quan trọng của hệ thống cảng biển Việt Nam và yêu cầu các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu cơ chế, chính sách về lĩnh vực hàng hải nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, góp phần thúc đẩy phát triển vận tải biển, dịch vụ hàng hải; đề xuất các mô hình quản lý cảng biển phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư khai thác cảng biển, cụm cảng biển; huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch và thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong công tác quản lý, khai thác hạ tầng cảng biển… Bên cạnh đó, đồng chí cũng yêu cầu các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về giao thông hàng hải theo quy định của pháp luật; quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch; rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, các dự án trên địa bàn bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch đã được phê duyệt…
Nguồn tin: Cổng TTĐT Quảng Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn