Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Quảng Trạch đến năm 2020
Thứ năm - 23/09/2021 04:01
Ngày 11/7/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1596/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Quảng Trạch đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN1. Mục tiêu tổng quát: - Phấn đấu đến năm 2020 tạo sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện về kinh tế xã hội, tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, có chất lượng cao hơn, đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn mức bình quân cả tỉnh. - Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, hình thành một số sản phẩm mũi nhọn có sức cạnh tranh cao, phát triển mạnh nguồn lực con người thông qua giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, tăng cường an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội. 2. Mục tiêu cụ thể: - Tốc độ tăng trưởng kinh tế: Bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2020 là 16,0%, trong đó giai đoạn từ 2011 - 2015 đạt 13,6% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 18,4%. - Cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ: + Đến năm 2015 là: 17%, 44% và 39% + Đến năm 2020 là: 11%, 49% và 40% - Thu nhập bình quân đầu người: Năm 2015 đạt 29 triệu đồng, năm 2020 đạt 80 triệu đồng. - Sản lượng lương thực: Năm 2015 đạt 62 ngàn tấn và năm 2020 đạt 63 ngàn tấn. - Đến năm 2020 hoàn thiện cơ bản mạng lưới giao thông đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa huyện với các nơi khác trong nước và giữa các xã trong huyện. - Đến năm 2015 có 90% và năm 2020 có 100% kênh mương nội đồng được bê tông hóa. - Đến năm 2015 có 85% và năm 2020 có 95% số hộ dân được sử dụng nước sạch. - Đến năm 2020 có 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính, chuyển phát, 100% xã có điểm truy cập internet, thuê bao cố định và di động đạt 30% trở lên. - Về giáo dục - đào tạo: Đến năm 2020 có 100% trường phổ thông đạt chuẩn Quốc gia; có 80% lao động trong độ tuổi được đào tạo qua ít nhất một nghề. - Về y tế: Đến năm 2020 có 100% trạm y tế đạt chuẩn y tế Quốc gia; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: 8%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng hàng năm đạt: 98%; tỷ lệ người mắc bệnh sốt rét còn 0,15% - Về dân số - lao động: Đến năm 2020 dân số 22,4 - 22,6 vạn người (chưa tính dân số tăng cơ học); tỷ lệ phát triển tự nhiên: 0,6 %; lao động: 11 - 12 vạn người - Về văn hóa: Đến năm 2020 có trên 90% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, trên 90% làng bản, tiểu khu, cơ quan đơn vị đạt làng văn hóa, 100% xã có bưu điện văn hóa xã. - Về thể thao: Đến năm 2020 có 50 % số gia đình thể thao. - Về công tác giảm nghèo: Đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 4 - 5 %. - Về thu ngân sách: Đến năm 2020 đạt 3.590 tỷ đồng. - Đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn luôn ổn định. II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC 1. Phát triển nông - lâm nghiệp - thủy sản. a. Nông nghiệp: Xây dựng một nền nông nghiệp toàn diện, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; từng bước công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngành nông nghiệp; tạo cơ cấu hợp lý giữa trồng trọt và chăn nuôi, tăng cường các hoạt động dịch vụ trong nông nghiệp. * Phấn đấu đến năm 2020: + Giá trị sản xuất tăng 7,1%/năm. (Trồng trọt: 4 - 5%; chăn nuôi: 10%) + Cơ cấu nội bộ ngành: Trồng trọt: 42%; chăn nuôi: 57%; dịch vụ: 1% + Tổng sản lượng lương thực đạt: 63 ngàn tấn. b. Lâm nghiệp: Xây dựng và phát triển vốn rừng, bảo vệ chăm sóc làm giàu rừng một cách hợp lý, nâng cao chất lượng các sản phẩm từ rừng. Đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đến năm 2020 độ che phủ rừng đạt 60%. c. Thủy sản: Tập trung đầu tư để đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, phát triển tổng hợp kinh tế thủy sản (cả đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá). 2. Phát triển công nghiệp - xây dựng. - Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp năng lượng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp công nghệ cao trong các khu công nghiệp, kết hợp với phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Hình thành một số sản phẩm chủ lực, có thương hiệu trên địa bàn huyện. - Mục tiêu: Tốc độ phát triển ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2011 - 2020 là 21,8%, trong đó: Công nghiệp, TTCN tăng 22,5%, xây dựng tăng 12,5%. - Phát triển Khu công nghiệp Hòn La thuộc Khu kinh tế Hòn La bao gồm các xã Quảng Đông, Quảng Phú (giai đoạn I); Quảng Tùng, Cảnh Dương, Quảng Hưng, Quảng Xuân (giai đoạn II). Xây dựng khu kinh tế tổng hợp bao gồm công nghiệp dịch vụ cảng biển, công nghiệp thủy tinh, công nghiệp luyện thép, công nghiệp điện, vật liệu composite, lắp ráp ô tô, xe máy, khu thương mại (thuế quan và phi thuế quan) và du lịch sinh thái. - Ngoài ra trên địa bàn huyện sẽ bố trí xây dựng một số cơ sở: Nhà máy đóng tàu, xà lan do Công ty Vinashin đầu tư tại Quảng Thuận; Nhà máy sản xuất thủy tinh cao cấp tại Quảng Long; chế biến nhựa thông tại Ba Đồn; chế biến thức ăn gia súc tại Quảng Phú, Quảng Thuận; chế biến bột cá tại Quảng Phúc; đóng và sửa chữa tàu thuyền tại Cảnh Dương, Quảng Văn; sản xuất công cụ cầm tay tại Quảng Hòa, Quảng Thanh, Quảng Châu. 3. Phát triển các ngành dịch vụ. - Ưu tiên phát triển nhanh ngành du lịch, tạo bước đột phá, tăng nhanh tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện. Tốc độ phát triển đến năm 2020 đạt 17,7% - Bố trí không gian ngành dịch vụ: + Hình thành khu thương mại - dịch vụ Ba Đồn. + Khu du lịch - dịch vụ Hòn La. + Bố trí hợp lý các hoạt động dịch vụ trên hành lang Quốc lộ 12A. + Đầu tư cho các xã trung tâm vùng có chợ làm chức năng thương mại dịch vụ nông thôn. 4. Phát triển cơ sở hạ tầng. a. Về giao thông: Đến năm 2020 hoàn thiện cơ bản mạng lưới giao thông trọng điểm như: Đường tránh QL 12A, đường nối khu công nghiệp xi măng với cảng biển Hòn La. Tiếp tục thực hiện cứng hóa hệ thống giao thông nông thôn đến xã, các cụm, điểm kinh tế. b. Hệ thống, thủy lợi và đê điều: - Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi. Đầu tư sửa chữa nâng cấp các công trình hiện có, cải tiến công tác quản lý thủy nông để nâng cao hệ số sử dụng các công trình. - Đầu tư nâng cấp Trạm bơm Rào Nan đảm bảo đủ tưới cho vùng Nam và cấp nước sinh hoạt; đồng thời nghiên cứu phương án để cấp nước cho Dự án xi măng Văn Hóa. - Hồ chứa nước Vực Tròn: Nghiên cứu xây dựng thêm 1 hồ mới ở phía thượng nguồn, khai thác bậc thang để tăng khả năng tích nước đảm bảo tưới cho các xã vùng Roòn, vùng Quốc lộ. - Nâng cấp hồ Trung Thuần (Quảng Thạch). - Đầu tư xây dựng mới các công trình: Đập dâng Khe Đá (Quảng Minh), Khe Am (Quảng Tiến), Khe Xai (Quảng Sơn), Sủng Mè (Cảnh Hóa). - Tăng cường đầu tư gia cố, xây dựng hệ thống đê, kè chống xói lở bờ sông, biển, hạn chế thiệt hại do xói lở gây ra. Xây dựng phương án phòng chống thiên tai các vùng thường xuyên bị lũ, lụt đe dọa để bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân. c. Hệ thống điện: - Phát triển nguồn điện theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 (theo Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ) để đáp ứng nhu cầu phụ tải của vùng. - Xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch ở Khu kinh tế Hòn La, có công suất từ 2.400 đến 3.000 MW do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư. - Phấn đấu đến năm 2015 có 99,5% số hộ trong huyện sử dụng điện trực tiếp từ điện lưới Quốc gia. d. Hệ thống cấp, thoát nước: - Tăng cường quản lý nguồn nước và hệ thống cấp nước. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cấp nước bằng các nguồn vốn vay để đưa vào sử dụng như dự án thoát nước Ba Đồn (vốn vay của Đan Mạch), dự án cấp nước huyện Quảng Trạch (vốn vay của Hungari). - Chú trọng xây dựng các công trình thoát nước, vệ sinh môi trường, xây dựng các bãi rác vùng tập trung dân cư. Từng bước áp dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải. e. Về thông tin, truyền thông: Phát triển viễn thông phục vụ tốt và kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội, công tác an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả cho công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển và các vùng thường xuyên xảy ra bão lũ. Phát triển các dịch vụ viễn thông phục vụ phát triển kinh tế biển. 5. Phát triển đô thị. - Thực hiện quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện, nâng cấp thị trấn Ba Đồn, chuẩn bị điều kiện để xây dựng khu trung tâm hành chính mới của huyện trong trường hợp thị trấn Ba Đồn phát triển thành đô thị loại IV. - Xây dựng Khu kinh tế Hòn La bao gồm 6 xã: Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tùng, Cảnh Dương, Quảng Hưng, Quảng Xuân trở thành khu kinh tế động lực Bắc Quảng Bình và của huyện. 6. Phát triển nguồn nhân lực. - Tăng cường phát triển chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ người lao động có tay nghề cao. Chú trọng việc đào tạo và đào tạo lại lao động tại chỗ. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo liên thông giữa các trường và các trung tâm đào tạo kỹ thuật phục vụ cho các khu công nghiệp, các ngành mũi nhọn có yêu cầu kỹ thuật cao. - Khuyến khích thu hút lực lượng lao động có tay nghề từ bên ngoài về huyện, phối hợp với các cơ sở đào tạo của tỉnh và Trung ương để đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật cho huyện nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 7. Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội. - Thực hiện tốt hệ thống chuẩn Quốc gia để tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực bao gồm: Chuẩn về kiến thức, kỹ năng đối với từng cấp học, bậc học và trình độ đào tạo, các yêu cầu cơ bản về đạo đức, tác phong, trách nhiệm của người học, chuẩn về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục (đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, công nhân viên, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu học tập, trường lớp, thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện, sân chơi). Phấn đấu đến năm 2020: + Về giáo dục: Giáo dục phổ thông đạt chuẩn Quốc gia 100% + Về đào tạo: 80% lao động trong độ tuổi đều được đào tạo qua ít nhất một nghề. - Thực hiện tốt các chương trình Quốc gia về chăm sóc sức khỏe, các chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; thực hiện tốt chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình và chương trình môi trường. Đầu tư đầy đủ các trang bị kỹ thuật và nâng cao chất lượng cán bộ bệnh viện khu vực Bắc Quảng Bình để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Phấn đấu đến năm 2020: + 100% trạm y tế đạt chuẩn y tế Quốc gia. + Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: 8% + Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng hàng năm đạt: 98% + Tỷ lệ người mắc bệnh sốt rét còn 0,15% - Đến năm 2020 có trên 90% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, trên 90% làng bản, tiểu khu, cơ quan đơn vị đạt làng văn hóa, 100% xã có bưu điện văn hóa xã. - Phấn đấu đến đến năm 2020 thu hút 50% dân số luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, có 50% số gia đình thể thao. 8. Tăng thu ngân sách, tạo ra nguồn vốn đủ mạnh để phát triển. Phấn đấu thu ngân sách chiếm 20% giá trị tăng thêm (tính theo giá HH), đến năm 2015 thu ngân sách khoảng 1.250 tỷ đồng. Đến năm 2020 thu ngân sách khoảng 3.590 tỷ đồng. 9. Đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Giải quyết đồng bộ các mục tiêu kinh tế và quốc phòng ngay trong từng ngành, lĩnh vực, trong mỗi tổ chức kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động tự bảo vệ mình, tham gia bảo vệ chung một cách vững chắc. Mặt khác cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành và cơ quan quân sự trong việc xây dựng, quy hoạch các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống ma túy tội phạm và các tệ nạn xã hội, giảm mạnh tai nạn giao thông và phải được thường xuyên duy trì, trở thành công việc thường xuyên của toàn xã hội. 10. Định hướng sử dụng đất. - Đất nông nghiệp: Năm 2015 chiếm 73,7%, năm 2020 đạt 75,35%. Trong đó, đất trồng cây hàng năm năm 2015 chiếm 14,09% và năm 2020 còn 11,58%. - Đất phi nông nghiệp tăng dần từ 19,14% năm 2015, lên 21,38% vào năm 2020. - Đất chưa sử dụng giảm dần từ 7,17% năm 2015, còn 3,26% vào năm 2020.