Theo đó, mục tiêu của Quy hoạch là đến năm 2030, cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả, đảm bảo an toàn chạy tàu 07 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440 km; quy hoạch 09 tuyến mới với tổng chiều dài 2.362 km; triển khai đầu tư 02 đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; ưu tiên xây dựng một số tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp các điều ước quốc tế, đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước. Về vận tải: Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40%.
Quy hoạch cũng đề ra tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt Quốc gia sẽ có 25 tuyến với chiều dài 6.354 km.
Tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phối hợp tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt theo quy định; bố trí nguồn lực, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và địa phương. Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương có đường sắt đi qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận với chủ trương quy hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt để phối hợp triển khai hiệu quả, góp phần từng bước hiện đại hoá, hệ thống đường sắt Quốc gia phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh...
Cổng TTĐT Quảng Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn